Triển khai công tác tuyên truyền thực hiện “Chương trình phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2025”
Với yêu cầu công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; phát huy ưu thế, tiện ích, thế mạnh của công nghệ số, đặc biệt là báo điện tử, truyền hình. Qua đó, nhằm thông tin, truyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, hạn chế thấp nhất nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các hành vi lệch chuẩn mực xã hội, phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa bạo lực, bạo hành trẻ em trong gia đình, xã hội; bạo lực học đường để nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội, tạo niềm tin để Nhân dân tham gia, phối hợp với cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Chủ động dự báo tác động tiêu cực ảnh hưởng nhóm trẻ em lang thang, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em tại cơ sở từ thiện, cơ sở bảo trợ xã hội...

Ảnh minh họa.
Nội dung trọng tâm cần tập trung tuyên truyền như sau:
(1) Triển khai thực hiện các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an liên quan đến phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 – 2025; hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025; tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030…
(2) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Trong đó, làm nổi bật vai trò, trách nhiệm của Gia đình – Nhà trường – Tổ chức xã hội – Các ban, ngành đoàn thể – Lực lượng Công an, trong thực hiện cơ chế giám sát, hỗ trợ trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Chủ động dự báo tác động tiêu cực ảnh hưởng nhóm trẻ em lang thang, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em tại cơ sở từ thiện, cơ sở bảo trợ xã hội...
(3) Thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó làm nổi bật vai trò của lực lượng Công an là nòng cốt trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; tập trung tuyên truyền các hoạt động của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác điều tra, xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong xã hội; tội phạm công nghệ cao liên quan đến người dưới 18 tuổi; cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên toàn quốc, trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội; tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình, tội phạm mua bán người... đặc biệt là các vụ việc mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi, trọng tâm là các tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia; tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhằm nâng cao cảnh giác của quần chúng nhân dân kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người, đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới...
(4) Tích cực thông tin, tuyên truyền về những chiến công, thành tích và các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi và thực hiện các phong trào thi đua, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an ngày càng tốt đẹp hơn trong lòng Nhân dân.
(5) Tuyên truyền hướng dẫn, cung cấp thông tin và số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.
(6) Thông tin, tuyên truyền cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi và các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế trong và ngoài nước liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, mua bán người; kết quả, nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em; các hoạt động tuần tra, kiểm soát biên giới, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất cảnh qua, biên giới nhằm phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em; tình hình giải cứu, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị mua bán trở về nước, truy bắt đối tượng phạm tội và tương trợ tư pháp hình sự trong các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng.
Cục Truyền thông CAND yêu cầu các cơ quan Báo chí CAND tăng thời lượng tin, bài, phóng sự, tổ chức tuyên truyền đậm nét các hoạt động của lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2025. Đề cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh đẹp lực lượng CAND trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Tăng cường tuyên truyền trên các Website, Cổng thông tin điện tử của Bộ và Trang thông tin Công an các đơn vị, địa phương tiếp nhận thông tin từ các cơ quan báo chí trong và ngoài CAND; tuyên truyền, chia sẻ thông tin trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube,...). Đồng thời, phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương với các cơ quan báo chí ngoài CAND, đặc biệt là các cơ quan báo chí hợp tác với Bộ Công an lan tỏa thông tin tuyên truyền về Chương trình phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2025.